Thứ sáu, 09 Tháng 5 2025 09:59

Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai (1955–1963): Dấu ấn khởi nguyên của y tế vùng mỏ Quảng Ninh

Năm 1933, khi khu mỏ Hòn Gai phát triển mạnh mẽ, với hơn 10.000 phu mỏ và công nhân, các điểm chăm sóc sức khỏe lúc ấy chỉ là các trạm xá đơn lẻ tại các mỏ lớn như Hà Lầm, Hà Tu, Hòn Gai hay Nhà máy than luyện Hòn Gai… Trước nhu cầu cấp thiết về chăm sóc sức khẻo và điều trị cho công nhân, người Pháp đã cho xây dựng một bệnh viện lớn trên đồi cao mang tên CH Georges Picot, trực thuộc Sở Than Pháp Bắc Kỳ.

Bệnh viện Georges Picot (nay là vị trí Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) được khởi công từ năm 1933 và hoàn thành vào năm 1937, gồm 3 khu điều trị chính: Khu trên đồi cao (Ngoại khoa, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, X-quang, Dược,…); Khu Lán Bè: Khoa Sản (nay là Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long) và Khu viện Tâm thần tại khu tập thể bệnh viện hiện nay, gần đường đi sang Giám định Y khoa.
Quản lý bệnh viện là một đốc công người Pháp – Y sĩ George, thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và Hòn Gai. Trực tiếp điều hành y tế tại chỗ là ông Nguyễn Thế Thường, y tá tiểu phẫu, người được nhân dân gọi kính trọng là “Docteur” vì ông vừa khám bệnh, vừa điều trị, thậm chí mổ viêm ruột thừa, mổ chấn thương cắt cụt chi – trong hoàn cảnh thiếu thốn đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao.
Tiếp quản và đổi tên: Sự ra đời của Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai (1955–1963)
Tháng 4 năm 1955, sau khi tiếp quản vùng mỏ, chính quyền cách mạng chính thức tiếp quản bệnh viện và đổi tên thành Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai (còn gọi dân dã là “bệnh viện cạn”). Khi đó, bệnh viện có: 180 giường bệnh, đến năm 1957 nâng lên 200 giường. Cơ sở vật chất khá tốt với hệ thống sưởi ấm bằng hơi nước – hiếm thấy vào thời điểm đó. Bệnh viện này là đơn vị y tế chủ lực phục vụ cho khu mỏ, đặc biệt trong hệ thống y tế ngành than.
Giai đoạn 1955-1960, khu Hồng Quảng có hai hệ thống y tế song song: Hệ thống y tế nhân dân (thuộc Y tế Khu Hồng Quảng): Bệnh viện A Bãi Cháy – 200 giường (Y sĩ Phan Mạnh Hiền – Quản đốc), Bệnh viện B Quảng Yên – 100 giường (Y sĩ Nguyễn Quang Bật – Quản đốc kiêm Chính trị viên) và Hệ thống y tế ngành than (thuộc Sở Y tế Xí nghiệp Than Hòn Gai): Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai – 250 giường (Bác sĩ Nguyễn Huy Soạn – Quản đốc). Bệnh viện Xí nghiệp Than Cẩm Phả – 120 giường (Y sĩ Lê Huy Thành – Quản đốc).
Sáp nhập và hình thành Bệnh viện A khu Hồng Quảng (1960–1963)
Ngày 01/7/1958, theo Nghị định Liên bộ số 666 và 667/LB, Sở Y tế Xí nghiệp Than Hòn Gai bị giải thể, chuyển giao quyền quản lý y tế cho các xí nghiệp than. Đến 23/9/1960, theo Thông tư Liên bộ Y tế – Công nghiệp số 21/LBYT-CN/TT, hệ thống y tế ngành than chính thức sáp nhập vào y tế nhân dân khu Hồng Quảng.
Cuối năm 1960, Bệnh viện A Bãi Cháy được chuyển về cơ sở Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai, hợp nhất thành Bệnh viện A Khu Hồng Quảng, tiền thân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Sau hợp nhất: Bệnh viện có 400 giường, 304 biên chế (trong đó chỉ có 1 bác sĩ). Đội ngũ lãnh đạo: Bác sĩ Phan Mạnh Hiền – Quản đốc, Đ/c Nguyễn Công Khanh – Bí thư Đảng ủy, Bác sĩ Nguyễn Văn Đài – Phó Quản đốc.
Dù cơ sở vật chất đơn sơ, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, nhưng những thế hệ y bác sĩ đầu tiên đã dành trọn tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, mang lại niềm tin, hy vọng cho nhân dân giữa những ngày tháng gian khổ.
Từ Bệnh viện khu đến Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh
Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Theo đó, Bệnh viện A khu Hồng Quảng được đổi tên thành Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, chính thức trở thành bệnh viện tuyến tỉnh, giữ vai trò trung tâm y tế của toàn tỉnh.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, thiên tai, cùng với những tập quán sinh hoạt lạc hậu như phóng uế bừa bãi, sử dụng chất thải làm phân bón, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm…, đội ngũ cán bộ y tế vùng mỏ đã nỗ lực không ngừng, vượt qua gian khổ để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quán triệt nghiêm túc đường lối y tế của Đảng và thực hiện 5 phương châm của ngành, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh tập trung củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời từng bước phát triển chuyên môn và mở rộng quy mô khoa phòng.
Với quy mô 11 khoa lâm sàng, số giường bệnh thực kê lên tới 450 (so với chỉ tiêu kế hoạch 420), cùng hệ thống khoa cận lâm sàng như xét nghiệm, X-quang, giải phẫu bệnh… từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Trong giai đoạn này, bệnh viện cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng phòng khám đa khoa 2 tầng xây mới tại khu Lán Bè, được trang bị đầy đủ các chuyên khoa cần thiết.
Nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật ổ bụng, xử lý vết thương hở, phẫu thuật sản khoa, đỡ đẻ khó, điều trị nội khoa… đã được làm chủ. Bệnh viện còn là cơ sở thực hành cho y sĩ, đào tạo sơ bộ chuyên khoa, giảng dạy thực hành Đông y, châm cứu và kỹ thuật xét nghiệm cho các đơn vị tuyến dưới. Trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ không ngừng được bồi dưỡng và phát huy, đặc biệt là tại khối Ngoại – nơi thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật mỗi năm, trong đó có từ 400 đến 500 ca đại phẫu. Nhiều ca bệnh trước kia phải chuyển tuyến Trung ương hoặc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) thì nay đã có thể điều trị hiệu quả ngay tại tỉnh.
Từ lực lượng ban đầu chỉ có 01 bác sĩ, 12 y sĩ và chưa có dược sĩ đại học vào năm 1961, đến năm 1964, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện đã phát triển lên 12 bác sĩ, 32 y sĩ và 02 dược sĩ đại học. Sự đoàn kết, gắn bó giữa các thầy thuốc với đội ngũ điều dưỡng, hộ lý đã tạo nên hiệu quả phục vụ cao, được bệnh nhân tin tưởng. Mặc dù số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải, nhưng tỷ lệ khỏi bệnh ra viện vẫn đạt cao, các biến chứng điều trị giảm đáng kể, và tỷ lệ tử vong chung ngày càng được kéo giảm.
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, đến năm 1998, bệnh viện chính thức được công nhận là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ cả về tổ chức, chuyên môn và vị thế trong hệ thống y tế tỉnh nhà.
Lưu dấu một thời – ghi nhớ cho hôm nay và mai sau
Trong giai đoạn đất nước còn chia cắt, đội ngũ y bác sĩ phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Vừa chăm lo sức khỏe cho nhân dân địa phương, họ vừa ngày đêm bám trụ, phục vụ công nhân vùng mỏ – lực lượng lao động chủ lực của ngành than quốc gia. Những ca cấp cứu trong hầm lò, tai nạn nghề nghiệp hay bệnh nghề nghiệp đặc thù luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao và phản ứng kịp thời. Dù gian khổ, các y bác sĩ vẫn giữ vững y đức, tận tụy vì người bệnh, góp phần bảo vệ và giữ gìn nguồn nhân lực quý báu cho ngành than trong thời kỳ đầy cam go của Tổ quốc.
Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai (1955–1963) là dấu son trong hành trình hình thành và phát triển hệ thống y tế vùng mỏ. Từ những y tá tiểu phẫu “chữa bệnh bằng tay nghề và tình thương”, đến cơ sở y tế lớn cấp tỉnh như ngày nay – đó là quá trình chuyển mình mang tính lịch sử, thể hiện tinh thần vượt khó, trí tuệ và tâm huyết của nhiều thế hệ thầy thuốc Quảng Ninh.
Lưu giữ những dấu tích này không chỉ để nhắc nhớ quá khứ, mà còn là cách để tri ân những người đã đặt nền móng cho y tế Quảng Ninh – để thế hệ hôm nay hiểu, trân trọng và tiếp tục viết tiếp hành trình ấy.
Tiểu ban Tuyên truyền – CDC Quảng Ninh.
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BỆNH VIỆN ĐA KHOA CẨM PHẢ
Giấy phép số 31/GP-STTTT ngày 15/05/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chịu trách nhiệm chính: Ông Vũ Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện
Địa chỉ: Số 371 Đường Trần Phú - Phường Cẩm Thành - Tp. Cẩm Phả - QN
Điện Thoại : 0203 3862245 - Fax : 0203 3862357
Email: bvdkcp.syt@quangninh.gov.vn

Top
Tra cứu kết quả online
Đăng ký khám online